“Con ngựa đá con ngựa đá” , “Hổ mang bò trên núi”, … đều là những cách chơi chữ vận dụng từ đồng âm, từ đồng nghĩa quen thuộc mà chúng ta thường nghe, vậy từ đồng âm là gì? Từ đồng nghĩa là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Mục Lục
1. Từ đồng âm
1.1. Khái niệm
Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh những nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì nhau.
Ví dụ:
Nhảy lò cò – Con cò
Quyển sách đang nằm trên bàn – Chúng tôi đang bàn bạc xem tối nay đi đâu.
Có con sâu đang nằm trên chiếc lá – Cái giếng này sâu quá
Những từ gạch chân ở mỗi cụm câu trên đây có phát âm giống nhau nhưng nghĩa lại không liên quan gì đến nhau.
1.2. Phân loại
Về cơ bản chúng ta có thể phân từ đồng âm thành những loại như sau:
a. Đồng âm từ vựng
Các từ đồng âm nhóm này đều thuộc cùng một từ loại.
Ví dụ:
- Con đường này xấu quá.
- Cốc nước chanh này cho nhiều đường quá rồi.
Hai từ đường ở đây đều là danh từ.
b. Đồng âm từ vựng – ngữ pháp
Các từ đồng âm ở nhóm này với nhau thuộc kiểu từ loại khác nhau.
Ví dụ:
- Xin chào, mình là Giang Béc và mình rất thích những chú sâu.
- Cái giếng này sâu quá.
Từ “sâu” ở câu 1 là danh từ, từ “sâu” ở câu 2 lại là tính từ.
1.3. Lưu ý khi sử dụng
Từ đồng âm thường được sử dụng trong thành ngữ, tục ngữ hoặc chơi chữ. Cũng có thể sử dụng nó trong giao tiếp, tuy nhiên khi sử dụng chúng ta cần phải lưu ý những điều sau:
- Chú ý đầy đủ đến ngữ cảnh để tránh hiểu sai nghĩa của từ hoặc dùng từ với nghĩa nước đôi do hiện tượng đồng âm, cần phải xem xét, phân tích các từ đồng âm và đặt ở nhiều ngữ cảnh khác nhau để hiểu đúng ý nghĩa của các đó.
- Không lạm dụng từ đồng âm khi giao tiếp tránh gây khó hiểu không cần thiết.
- Nên thêm các thành phần phụ phía sau để người đọc, người nghe hiểu trọn vẹn ý nghĩa của từ.
- Có thể sử dụng các dấu câu để phân biệt các từ đồng âm trong một câu.
2. Từ đồng nghĩa
2.1. Khái niệm
Là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau
Ví dụ:
Quả – Trái; Thiệt mạng – Hy sinh; Heo – Lợn; … đều là những từ có nghĩa giống hoặc gần giống nhau.
2.2. Phân loại
Từ đồng nghĩa có hai loại như sau:
+ Từ đồng nghĩa hoàn toàn (không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa) là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế cho nhau
Ví dụ: Heo – Lợn; Chén – Bát; Quả – Trái; …
+ Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (có sắc thái nghĩa khác nhau) là những từ có nghĩa giống nhau nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm hoặc cách thức hành động nên cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn thay thế cho nhau.
Ví dụ: Hy sinh – Chết; Phu nhân – Vợ; Nhiệm vụ – Nghĩa vụ …
2.3. Lưu ý khi dùng từ đồng nghĩa
- Mặc dù từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống hoặc gần giống nhau nhưng không phải các từ đồng nghĩa đều có thể thay thế cho nhau.
- Khi nói cũng như khi viết, cần phải xem xét ngữ cảnh, lựa chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ phù hợp với hoàn ảnh giao tiếp để câu thể hiện được ý nghĩa, sắc thái một cách trọn vẹn.
3. Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Ví dụ
Trong giao tiếp, chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Việc phân biệt chúng phải dựa vào từng trường hợp cụ thể.
Chúng ta cùng so sánh từ đồng âm và từ nhiều nghĩa để có thể phân biệt chúng một các dễ dàng hơn:
+ Giống nhau: Trong tiếng Việt, chúng đều là những từ có cách viết và cách đọc như nhau.
+ Khác nhau:
Từ đồng âm: Có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau và không có mối liên hệ nào, chúng cũng không thể thay thế cho nhau.
Từ nhiều nghĩa: Ý nghĩa của những từ này có thể hơi khác nhau nhưng vẫn có một mối liên hệ nào đó về nguồn gốc.
Ví dụ:
- Chiếc bàn này quá cũ rồi.
- Họ đang bàn nhau xem ngày mai sẽ đi đâu.
Hai từ bàn tròn ví dụ trên có cách đọc như nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. “Bàn” ở câu 1 là danh từ chiếc bàn. Còn “bàn” trong câu hai là động từ.
Ví dụ:
- Hôm qua thằng bé đá bóng bị gãy chân.
- Tôi để nó dưới chân giường.
Về cơ bản hai từ chân ở đây đều có mối quan hệ với nhau, “chân” ở ví dụ 1 chỉ một bộ phận trên cơ thể người, “chân” ở ví dụ 2 chỉ một bộ phận của chiếc giường.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về từ đồng âm, từ đồng nghĩa mà mình sưu tầm được, hy vọng qua bài viết này mọi người sẽ biết được khái niệm từ đồng âm và từ đồng nghĩa cũng như các phân biệt từ đồng âm với từ nhiều nghĩa.
Giang Béc