Dưới đây là các công thức viết bài content mà bất kỳ người viết lách nào cũng nên biết. Không chỉ đây là những công thức nổi tiếng, được nhiều người sử dụng mà vì chúng thực sự hữu ích trong công việc của bạn!
1. Công thức AIDA
Đây không chỉ là công thức viết content, copywriting lâu đời mà còn là mô hình rất phổ biến trong marketing. AIDA (thấy mọi người vẫn thường đọc nó là Ai-da) giúp khơi gợi sự tò mò và hướng người khác có một hành động nào đó.
Công thức viết Content AIDA là gì?
AIDA là viết tắt của Attention – Interest – Desire – Action (Theo đúng thứ tự này nhé!). Trong đó:
- Attention là sự chú ý
- Interest là sự thích thú
- Desire là sự khao khát
- Action là hành động
Áp dụng AIDA vào viết content như thế nào?
Đầu tiên bạn phải Attention ngay khi bắt đầu bài viết. Bạn có thể áp dụng một số cách như:
- Quà tặng, Tặng tài liệu miễn phí…
- Viết chữ in hoa, chữ đậm, icon…
- Câu bắt trend, gây tò mò…
- Chọn tiêu đề content thu hút sự chú ý người đọc.
Interest: Sau khi tạo được sự chú ý, bạn phải khiến độc giả cảm thấy điều họ đang học là đáng để học tiếp tục đọc. Hãy đưa ra những thông tin thú vị và tươi mới. Ví dụ như các con số thống kê, các sự thật, câu chuyện hấp dẫn nào đó…
Desire: Tới giai đoạn này, bạn phải khơi gợi mong muốn sở hữu. Ví dụ như các hình ảnh before after của các khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ; vẽ ra bức tranh cuộc sống tiện nghi sau khi mua sản phẩm…
Cuối cùng là Action: Tạo ra một sự cấp bách, một gợi ý hành động cho khách hàng. Ví dụ: “Bấm đây để nhận ngay bộ tài liệu miễn phí!” Hoặc “Lớp học chỉ nhận 20 học viên. Đăng ký ngay!”…
2. Công thức viết bài content 4C
4C là công thức viết content giúp bạn đảm bảo 4 yếu tố cho một bài viết hay và hiệu quả.
Công thức 4C là gì?
- Clear: Rõ ràng
- Concise: Súc tích
- Compelling: Thuyết phục
- Credible: Đáng tin
Áp dụng 4C vào viết content như thế nào?
-
Clear – Rõ ràng
Rõ ràng ở đây có nghĩa là nội dung bạn viết phải rõ ràng, người đọc hiểu rõ được nội dung vấn đề họ đang tìm kiếm và bạn cũng phải truyền đạt rõ thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến khách hàng.
Đối với bài viết trên website, việc chia nhỏ bài viết thành các mục và tiểu mục kèm tiêu đề sẽ giúp bài viết của bạn trở nên rõ ràng hơn.
-
Concise – Cô đọng, súc tích
Súc tích có nghĩa là “vừa đủ”. Không quá ngắn để nó trở nên khó hiểu, không đủ ý và không quá dư thừa, lan man.
Bài viết dài nhưng phải cô đọng, “đặc sệt” nội dung cần thiết. Nhiều bạn content writer được trả nhuận bút theo số lượng chữ nên cứ viết dài cho thêm chữ thêm tiền trong khi nội dung cứ quanh qua quẩn lại.
-
Compelling – Thuyết phục
Bạn hãy nhớ một điều rằng: Bài viết của bạn là viết cho người đọc, hãy lấy người đọc làm trung tâm. Đừng viết điều bạn muốn mà hãy viết thứ khách hàng (người đọc) quan tâm!
-
Credible – Có thể tin được
Người đọc không tin những điều người bán hàng nói, họ tin vào những thông tin khoa học, lời khuyên từ các chuyên gia. Bởi thực tế, bản thân bạn cũng luôn trong sự hoài nghi, họ chỉ đang muốn bán được hàng. Hãy tìm cách để khách hàng của bạn cảm thấy “an toàn” và khiến bài viết của bạn trở nên khách quan và “đáng tin” hơn.
Xem thêm: Hướng dẫn từng bước viết content chuẩn SEO cho người mới
3. Công thức 4A – 5A
Theo nhiều “nguồn thông tin” thì đây là công thức dựa trên mô hình AIDA mà mình đã trình bày ở phía trên. Khi Internet đã quá phổ biến trong cuộc sống, hành vi của khách hàng cũng thay đổi thì 4A không còn phù hợp và Philip Kotler đã phát triển nên mô hình 5A.
Công thức viết bài 4A – 5A là gì?
Công thức 4A gồm:
- Aware – Nhận biết
- Attitude – Thái độ
- Act – Hành động
- Act again – Lặp lại hành động
Công thức 5A gồm:
- Awareness – Nhận biết
- Appeal – Khả năng thu hút
- Ask – Tìm hiểu
- Action – Hành động
- Advocate – Ủng hộ thương hiệu
Áp dụng 4A – 5A vào viết content như thế nào?
Với công thức 5A, cấu trúc bài viết có thể linh hoạt hơn. Bạn không cần phải theo thứ tự nhất định như AIDA hay 4A, bạn có thể lược bỏ vài “chữ A” mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Bạn biết đấy, hành vi của khách hàng ngày càng trở nên phức tạp. Khách hàng có thể “Action” mà không cần “Ask”. Để làm được điều này thì sản phẩm và uy tín thương hiệu đều phải phải tốt và được đầu tư nhiều.
4. Công thức PAS
Đây là công thức “cổ điển”, khá tinh gọn nhưng tính ứng dụng khá cao và rất hiệu quả. Bạn có thể áp dụng nó trong nhiều bài viết khác nhau. Hãy thử xem nhé!
PAS là gì?
- Problem (Vấn đề): Xác định vấn đề
- Agitate (Diễn giải): Làm rõ và khuấy động mọi thứ lên (làm cho nó trầm trọng hơn, kịch tính hơn…)
- Solve (Giải pháp): Giải quyết vấn đề
Cách áp dụng công thức PAS vào viết content
Mình nghĩ là bản thân những từ PAS đại diện đã thể hiện gần như rõ việc bạn cần làm rồi. Đó là: xác định vấn đề, đi sâu phân tích và cuối cùng là giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, mình muốn lưu ý một điều là bạn phải thực sự đi vào vấn đề và giải quyết nó. Hãy nhớ: khách hàng là trung tâm!
Để rõ hơn, mình đã chọn được một ví dụ khá dễ hiểu (về quảng cáo nước tương) để bạn tham khảo:
“Problem: Các nước châu Âu vừa đưa ra cánh báo về các loại nước tương chứa chất 3-MCPD có nồng độ quá mức cho phép, có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Agitate: Các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước cho biết chất 3-MCPD là nguyên nhân chính, khiến cho cơ thể dễ bị mắc bệnh ung thư.
Solve: Chúng tôi cho ra đời loại nước tương mới, an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng, thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm được chất 3-MCPD trong loại nước tương của chúng tôi.”
(Ví dụ từ bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba – VCCorp)
—–
Các công thức viết bài content này chỉ là một phần để hỗ trợ bạn trong quá trình viết lách cũng như là làm marketing (còn rất nhiều công thức khác nữa). Quan trọng là việc bạn thực hành và vận dụng nó vào công việc một cách hiệu quả!
Giang Béc