Cũng như rất nhiều thứ khác, bên cạnh những màu hồng là sự tự do về thời gian, không gian làm việc… thì bức tranh về công việc tự do vẫn không thiếu các mảng màu tối. Dưới đây là những bất lợi mà một Freelancer phải thật sự nhìn nhận…
Mục Lục
1. Thu nhập không ổn định
Ở đây mình muốn đề cập đến 2 khoảng thời gian: Đó là khi mới bắt đầu làm freelancer và khi đã “sống” bằng nghề làm việc tự do.
1.1. Thời gian đầu
Khi bạn mới bắt đầu nghỉ việc fulltime và bắt đầu với công việc tự do, bạn sẽ phải trải qua một khoảng thời gian giảm thu nhập một cách đáng kể. Vì lúc này các khách hàng của bạn vẫn chưa nhiều hoặc bạn vẫn còn trong thời gian relax khi nghỉ việc ở công ty cũ nên vẫn chưa toàn tâm toàn ý kiếm tiền.
Khoảng thời gian này dài hay ngắn còn tùy thuộc vào bạn, nhưng việc nhận lương mỗi tháng không còn nữa sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của bạn (không ít thì nhiều). Do đó, bạn phải có kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn này trước khi quyết định nghỉ việc fulltime để làm freelancer.
1.2. Thời gian sau
Thời gian sau mà mình muốn nói ở đây là khi công việc freelance của bạn đã đi vào một quy trình nhất định, bạn đã có nhiều khách hàng hơn. Freelancer luôn có cơ hội có thu nhập cao hơn nhiều so với mức lương fulltime bình thường. Tuy nhiên, thu nhập của freelancer sẽ phụ thuộc vào số lượng và ngân sách của dự án mà bạn nhận mỗi tháng nên hầu như là không “đồng đều”.
Vì vậy, bạn cần hiểu rằng tháng này mình thu nhập ngần này không đồng nghĩa tháng sau cũng sẽ kiếm được ngần ấy. Nên bạn cần phải sắp xếp thu chi sao cho hợp lý để “dự phòng” những khoảng thời gian có thu nhập thấp.
2. Không có các phúc lợi từ công ty
Làm việc tự do bạn sẽ không còn nhận được các phúc lợi từ công ty như khi làm fulltime nữa. Một số phúc lợi mà giờ bạn sẽ phải tự lo liệu như:
- Các loại bảo hiểm (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu, chế độ thai sản…)
- Các ngày nghỉ có lương theo quy định (Lễ 30/4-1/5, ngày chủ nhật, nghỉ phép năm…)
- Tiền thưởng Tết, tiền công tác phí, ưu đãi riêng cho nhân viên công ty…
- Các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng cho nhân viên
- Các chương trình đào tạo, đào tạo nội bộ miễn phí
…
Là người làm việc tự do, bạn phải tự chuẩn bị và tự chi trả nếu muốn có các phúc lợi tương tự. Đôi khi, vì “cơm áo gạo tiền”, người làm việc tự do sẽ “quên” đi những điều mà đáng ra một người lao động bình thường cũng cần có để làm việc tốt hơn.
Do đó, dù không được cho các phúc lợi ấy thì bạn hãy cố gắng tự “thưởng” (vài chuyến du lịch mỗi năm, khám sức khỏe định kỳ chẳng hạn) để tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho bản thân từ thể chất cho đến tinh thần.
3. Nếu bạn muốn quay lại làm fulltime?
Con đường của một freelancer không hề dễ dàng. Nếu bạn bỗng cảm thấy công việc tự do không phù hợp và muốn quay lại làm fulltime thì sao? Vẫn được thôi, nhưng nó sẽ thế này:
- Rất nhiều thứ đã thay đổi, bạn có thể đã bị bỏ xa về chuyên môn, kỹ năng…(điều này càng thấy rõ nếu như bạn làm freelance trái ngành – ví dụ như trước đây bạn làm kế toán rồi nghỉ để làm freelance viết lách hoặc chụp ảnh…)
- Vị trí của bạn trong ngành cũ giờ đã khác, bạn đã bị gián đoạn sự thăng tiến trong công việc. Nếu quay lại làm fulltime, hoặc bạn phải nỗ lực rất nhiều hoặc bạn sẽ phải chấp nhận là một nhân viên hết sức bình thường với mức lương ổn định hơn khi làm tự do nhưng thấp hơn các đồng nghiệp fulltime cũ khá nhiều.
Do đó, nếu bạn đang có một công việc fulltime và muốn bỏ việc để làm freelance, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nộp đơn từ gì đó cho sếp của mình nhé!
4. Các mối quan hệ xã hội thay đổi
Đối với mình, các mối quan hệ xã hội thay đổi một cách đáng kể. Khi làm ở công ty, các mối quan hệ của bạn chủ yếu là với đồng nghiệp, sếp; một số vị trí khác sẽ có thêm mối quan hệ với khách hàng, đối tác… Và các mối quan hệ này khá liên kết, vì bạn tiếp xúc hơn 8 tiếng mỗi ngày, bên cạnh chuyện công việc còn có chuyện tập thể.
Khi làm freelance, mối quan hệ công việc của bạn sẽ chuyển qua với khách hàng nhiều hơn, nhưng sự liên kết sẽ “yếu” hơn. Ví dụ đối với công việc freelance viết lách, có những dự án, 80% thời gian là làm việc với khách hàng qua bảng Excel, 20% còn lại là qua Zalo.
Đó là các mối quan hệ xã hội thuần công việc, các mối quan hệ tình cảm thì cần sự chủ động nuôi dưỡng nhiều hơn bởi sự khác biệt về thời gian, không gian làm việc, không còn nhiều chủ đề chung với một số mối quan hệ cũ (đặc biệt là đồng nghiệp cũ).
5. Đối mặt với những suy nghĩ vẩn vơ
Con đường freelance không phải là con đường phổ biến của số đông hiện nay. Bạn đang lựa chọn một sự không ổn định và khi mọi việc không như ý, bạn sẽ có chút cảm giác “chênh vênh” trên hành trình còn chưa rõ ràng của bản thân.
Đôi lúc thấy đồng nghiệp cùng vị trí cũ đã có những thăng tiến vượt bậc, bạn sẽ suy nghĩ vẩn vơ. Như nhiều freelancer khác, có thể bạn cũng sẽ có khoảng thời gian phải đối mặt với những suy nghĩ này.
6. Kỷ luật bản thân phải cực kỳ cao
Gọi là làm việc tự do nhưng nếu bạn không có kế hoạch làm việc khoa học, kỷ luật bản thân cao thì bạn sẽ rơi vào một ma trận deadline không hồi kết. Đôi lúc quá lười bạn sẽ ảo tưởng rằng mình còn rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc, nhưng đến khi bắt tay vào làm thì có quá nhiều thứ để làm và để kịp deadline thì bạn phải làm việc với cường độ cực kỳ cao trong thời gian gấp gáp.
Kèm theo tình huống trên chính là bạn bị thay đổi thời gian sinh hoạt bình thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả công việc tiếp theo. Vì vậy, khi làm freelance, bạn phải là sếp của chính mình, phải có kỷ luật bản thân cao. Đừng để sự tự do này trói buộc những sự tự do khác!
—–
Xem thêm về “màu hồng” của Freelancer khi làm Công việc viết lách tự do.
Bất kỳ công việc nào cũng sẽ có những ưu và nhược điểm riêng của nó. Có thể bài viết này nói hơi nhiều về những điều “tiêu cực”, nhưng mình muốn bạn xem đây như một sự tham khảo. Từ đó, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt hơn (về tâm lý và cả hướng giải quyết) với con đường mà bạn đã hoặc sẽ chọn!
Giang Béc