Mình biết đây là sẽ một quyết định quan trọng. Khi từ bỏ một ngành khác để đến với nghề viết content có nghĩa là bạn phải bắt đầu lại gần như tất cả. Nhưng nếu bạn vẫn chưa gửi đơn-từ-gì cho sếp hiện tại của bạn thì hãy thử “nghía” qua 03 lưu ý của mình về vấn đề này nhé!
Mục Lục
1. Lý do thực sự bạn muốn bỏ việc là gì?
Bởi bản chất có 2 lý do chính, đó là: bạn muốn bỏ việc cũ hoặc bạn muốn đến với content.
-
Bạn muốn bỏ việc cũ
Bạn quá “bất mãn” với công việc hiện tại và chỉ muốn rời xa nó càng sớm càng tốt? Rồi tình cờ bạn có duyên biết về content writer là gì và công việc của một nhân viên content tự do, sáng tạo ra sao nên “bấu víu” vào đó. Và bạn ngộ nhận là “thích nghề content” để có lý do cho sự giải thoát khỏi những áp lực đang ngày càng nặng nề của công việc hiện tại?
Nếu đây là nguyên nhân thực sự thì mình e rằng, bạn có thể cũng sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng tương tự như vậy khi làm content. Bạn nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và giải quyết nó, ví dụ nếu lý do là ở môi trường làm việc thì bỏ công ty cũ tìm công ty mới chứ không bỏ nghề..
-
Bạn muốn đến với content
Ở trường hợp này, bạn thực sự yêu thích và muốn đi đường dài với công việc content. Trong khi công việc cũ chiếm phần lớn quỹ thời gian của bạn nhưng không còn ý nghĩa và phù hợp với định hướng tương lai của bạn nữa. Do đó, bạn muốn nghỉ việc cũ để dành sự tập trung cho công việc viết content này.
Trên thực tế, cả hai nguyên nhân trên sẽ chồng chéo với nhau chứ không hề rõ ràng để bạn nhìn thấy rạch ròi như vậy. Do đó, bạn phải thực sự thành thật với chính mình. Đôi khi, “tuổi trẻ chưa trải sự đời” chúng ta cũng không hiểu đúng bản thân mình đâu. Nhưng những người khác chỉ có thể đưa ra sự tham khảo, còn chúng ta phải tự quyết định, để trưởng thành…!
2. Giai đoạn vàng trong làng “chán nản”
Bây giờ giả sử bạn đã chọn nghề content, mình sẽ “cảnh báo” bạn về một giai đoạn bạn cực kỳ chán nản.
Với tâm thế là một người “dũng cảm bỏ ngành học để theo đuổi đam mê” bạn sẽ làm việc, tìm hiểu, nghiên cứu này kia ngày đêm không mệt mỏi. Mọi thứ thật tuyệt vời bởi điều dẫn dắt bạn lúc này là đam mê, là sự thú vị của một chuyến phiêu lưu mới. Nhưng, như một đồ thị hình sin, cái cảm xúc này nó lên nhanh rồi cũng đi xuống.
-
Tại sao bạn bắt đầu chán nản?
Bạn thấy kết quả công việc không được như mong muốn, mệt mỏi vì không có thời gian cho bản thân. Bạn sẽ thoáng có suy nghĩ hoài nghi về quyết định bỏ nghề cũ của mình. Những từ “giá như” sẽ bắt đầu xuất hiện. Nhất là khi nhìn thấy bạn bè cũ của mình (người vẫn theo đuổi nghề đúng ngành) bắt đầu có những thành công nhất định.
Nếu không vượt qua được giai đoạn này, khả năng cao bạn sẽ tự tạo sức ì cho chính mình, bạn không còn muốn cố gắng nữa. Tệ hơn là cảm giác vô dụng, thất bại khiến bạn trở nên tiêu cực, kể cả trong suy nghĩ và hành động.
-
Vậy làm sao để vượt qua giai đoạn này?
Mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Với mình, mình hiểu rằng: bất kỳ công việc nào dù đam mê hay không đam mê cũng phải có những “nhàm chán” nhất định. “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần”. Nhưng, bạn thành thật đi, việc thực hành 1 cú đá 10.000 lần cũng có lúc chán lắm chứ. Tuy nhiên, lượng đổi thì chất mới đổi, hãy giữ đam mê để tiếp tục cuộc hành trình và tiếp tục cuộc hành trình để giữ đam mê.
3. Bạn tự cho phép mình chậm hơn người khác
Tại sao lại có tư tưởng này? Khi bắt đầu với một công việc trái ngành, đôi khi chúng ta sẽ biện minh cho sự yếu kém và lười nhác của mình bằng việc tự cho phép mình “chậm” hơn người khác vì “đây không phải là ngành học của tôi”.
-
Đúng là bạn sẽ chậm hơn
Khi đồng nghiệp (ý mình là đồng nghiệp trong công ty làm content ấy nhé) đạt thành tích vượt trội hơn thì bạn sẽ “an ủi’ mình rằng: “Vì bạn đó làm đúng ngành, có kiến thức nền sẵn nên hơn mình là tất nhiên”. Hoặc “Vì mình là “tay ngang”, mới vô nghề chưa có kỹ năng ABC nên không bằng mấy bạn kia là tất nhiên rồi!”
Thì tất nhiên là đúng như vậy đấy! Nhưng đó không phải là lý do để chúng ta cho mình quyền được “trì hoãn” mà đó phải là lý do để chúng ta cố gắng nhiều hơn nữa.
-
Bạn có chấp nhận thử thách?
Khách hàng hoặc nhà tuyển dụng không quan tâm 3-4 năm qua bạn đã đạt được những thành tựu gì trong nghề cũ cả đâu. Họ chỉ quan tâm trong nghề content này, bạn làm được gì cho họ mà thôi.
Vì vậy, khi quyết định bắt đầu lại với một nghề hoàn toàn mới, bạn phải chuẩn bị tinh thần để tạm “lấp đầy” những thứ bạn chưa có. Và những thứ chúng ta chưa có thì nhiều lắm đấy, càng tìm hiểu sẽ thấy càng nhiều thứ chúng ta cần phải học hỏi! Đây là một thử thách của sự kiên trì, một thử thách từ số 0 để đến thành công. Bạn có sẵn sàng chấp nhận thử thách này không?
Cuối cùng, mình chỉ muốn nhắn gửi đến bạn rằng: “Chẳng chặng đường nào trải bước trên hoa hồng”. Và dù bạn quyết định có bỏ việc để làm content hay không thì đó cũng sẽ là một phần trải nghiệm quý giá trong cuộc sống của chính bạn. Mình chúc bạn thành công nhé!
Giang Béc